Sở hữu thiết kế mới và những nâng cấp cả về phần cứng và phần mềm, nhưng liệu Note 5 có thực sự là sản phẩm mà Samsung cần để lấy lại vị thế trước đây?
Kể từ năm 2012, Samsung đã đều đặn giới thiệu những chiếc điện thoại thuộc dòng Galaxy Note vào cuối năm. Sự thành công của những chiếc Note khiến chúng được coi như biểu tượng của dòng phablet, cho tới khi iPhone 6 Plus xuất hiện.
Chiếc điện thoại của Apple không có chức năng gì đặc biệt, ngoại trừ màn hình lớn và pin rất tốt, nhưng nó vẫn cực kỳ thành công. Điều đó tạo cho Samsung một sức ép phải đổi mới, và đó là điều hãng đã cố gắng thực hiện với Note 5.
Note 5 được Samsung trang bị khá nhiều nhiều điểm mới so với Note 4: thiết kế, hiệu năng, camera và cả phần mềm. Tuy nhiên liệu những nâng cấp đó đã đủ để Note 5 giành lại lợi thế trước các đối thủ cạnh tranh?
Video đánh giá nhanh Galaxy Note 5
Samsung Galaxy Note 5 có giá niêm yết chính hãng là 18 triệu đồng.
Thiết kế
Thiết kế của Galaxy S6 đầu năm nay được đánh giá cao, đem lại ngoại hình mới lạ và sang trọng hơn hẳn cho dòng Galaxy S. Do vậy Samsung không phải tìm ra điều gì mới mà đơn giản là phóng to chiếc S6 lên cỡ màn hình 5.7 inch và có được chiếc Note 5.
Note 5 đã loại bỏ gần hết các yếu tố nhựa ở thân vỏ, thay vào đó là các chất liệu như kim loại và kính. Điều này khiến cho máy có một ngoại hình sang trọng, cứng cáp hơn những chiếc Note dùng vỏ nhựa hoặc giả da trước đây. Phần thân kính của máy phản chiếu ánh sáng khá long lanh, nhất là với màu vàng. Về kiểu dáng thì máy vẫn vuông vắn, không có nhiều khác biệt so với Note 4.
Camera lồi là đặc điểm của các điện thoại Samsung
Samsung thể hiện sự tiến bộ trong thiết kế ở các chi tiết nhỏ. Ở phần mặt trước, viền màn hình được Samsung thu gọn lại nhiều, giúp cho chiều ngang của Note 5 giảm được hơn 2 mm. Mặt lưng của máy được vát cong hơn về hai cạnh, độ dày giảm gần 1 mm nên cảm giác cầm gọn hơn so với Note 4.
Cạnh dưới của máy với bút cảm ứng, loa ngoài, cổng MicroUSB và chân cắm tai nghe 3.5mm
Dù có những điểm cải tiến, thiết kế Note 5 cũng còn một số điểm chưa tốt. Chất liệu kính khiến cho máy trơn (nhất là khi tay người cầm khô), và cả mặt lưng lẫn màn hình của máy đều bám vân tay rất nhiều, giống như S6. Hiện tượng này rất rõ trên các máy màu sẫm. Ngoài ra thiết kế khe cắm bút cảm ứng dễ khiến người dùng gặp rắc rối cũng có thể coi là một lỗi thiết kế.
Samsung đã mắc lỗi thiết kế ở khu vực khe cắm bút cảm ứng.
Bỏ qua chuyện đút ngược bút, chiếc S-Pen trên Note 5 có một số thay đổi nhỏ về kiểu dáng: bút thon hơn, không có các vạch trên bút nên khi cầm hơi trơn so với bút của Note 4. Thao tác bấm lấy bút trên Note 5 tiện hơn một chút so với thao tác cạy bằng móng tay trên Note 4.
Màn hình
Màn hình Note 5 giữ nguyên kích thước và độ phân giải so với Note 4 (5.7 inch, 2560 x 1440 pixel), nhưng có cải thiện một chút về khả năng hiển thị. Khi so sánh với Note 4, chúng tôi nhận thấy màn hình của Note 5 hiển thị màu sắc rực rỡ hơn một chút so với thế hệ trước, còn các yếu tố về góc nhìn, độ nét và độ tương phản không khác nhiều.
Về mặt chất lượng, màn hình của chiếc Note 5 đem lại khả năng hiển thị rất tốt: độ phân giải cao giúp đem lại hình ảnh sắc nét, độ sáng cao nên hiển thị rõ ngoài trời. Do sử dụng công nghệ Super AMOLED nên màn hình Note 5 hiển thị màu đen sâu, trung thực.
Màn hình Note 5 cũng hiển thì màu sắc rất sống động, nhưng hơi rực và thiếu trung thực ở chế độ mặc định (Tối ưu hiển thị). Điều này có thể khắc phục bằng cách chuyển sang chế độ hiển thị Ảnh AMOLED hoặc cơ bản.
Màn hình ở chế độ mặc định (trên) cho màu sắc rực hơn thực tế, còn khi đặt chế độ cơ bản (dưới) thì màu sắc hiển thị trung thực hơn
Loa ngoài của máy được chuyển xuống cạnh đáy, giúp âm thanh không bị chặn lại khi đặt máy lên mặt phẳng. Âm lượng của loa lớn, đủ để nghe khi bạn ở môi trường không quá ồn; tuy nhiên chất lượng âm thanh không có gì đặc biệt.
Camera
Về cơ bản camera của Note 5 không khác nhiều so với Galaxy S6, cả ở phần cứng và phần mềm. Cảm biến của máy vẫn có độ phân giải 16MP, giao diện phần mềm chụp ảnh giữ nguyên. Các máy Note 5 chính hãng tại Việt Nam sử dụng cảm biến ISOCELL của Samsung, ống kính khẩu độ F1.9.
Tốc độ lấy nét, chụp và lưu ảnh của Note 5 đều rất nhanh, tương đương với S6. Thao tác mở ứng dụng camera bằng cách nhấn hai lần ở nút Home cũng giúp người dùng có thể chụp ảnh nhanh hơn khi cần.
Sau thời gian trải nghiệm, tôi nhận thấy ưu điểm của camera trên Note 5 là khả năng thể hiện màu sắc tốt. Nếu như cảnh chụp có màu sắc bắt mắt, nổi bật thì ảnh chụp từ Note 5 sẽ diển tả khá tốt màu sắc đó. Máy cũng thể hiện dải sáng khá rộng, và trong các trường hợp chụp ngược sáng thì chế độ HDR cũng làm tốt nhiệm vụ.
Điểm tôi chưa ưng trên chiếc Note 5 là khả năng thể hiện độ chi tiết chưa được tốt ở một số ảnh. Khi cảnh chụp có ánh sáng không tốt, ảnh cũng dễ bị rung. Tuy nhiên nếu như chỉ sử dụng ảnh để đăng tải lên mạng xã hội hoặc các trang web không yêu cầu độ phân giải cao thì ảnh chụp từ Note 5 vẫn đáp ứng tốt nhu cầu.
Một số ảnh chụp từ Galaxy Note 5 (nhấn vào ảnh để xem ở kích thước lớn hơn):
Một điểm mới ở bản cập nhật Lollipop 5.1.1 do Samsung phát hành là khả năng lưu file ảnh ở dạng RAW. Khi kết hợp cùng khả năng điều chỉnh tốc độ màn trập, Note 5 có thể tạo được những bức ảnh phơi sáng khá tốt.
Hiệu năng
Cấu hình của Galaxy Note 5 gần giống như S6, cùng được trang bị vi xử lý Exynos 7420 do chính hãng phát triển, dung lượng RAM được nâng lên 4GB, dung lượng bộ nhớ trong có 2 lựa chọn là 32GB và 64GB. Với cấu hình mạnh mẽ, Note 5 xử lý tốt và nhanh nhẹn tất cả các tác vụ trên điện thoại.
Kết quả đánh giá khả năng tính toán (GeekBench) và đồ họa (GFXBench) của Note 5 khi so với một số điện thoại khác
Khi sử dụng các ứng dụng đánh giá hiệu năng, Note 5 hoàn toàn vượt trội so với Note 4 và là một trong những smartphone Android có điểm số ấn tượng nhất. Tuy nhiên khi sử dụng thực tế, sự chênh lệch giữa hai chiếc Note là không nhiều. Cấu hình của Note 4 vẫn đủ để đáp ứng các ứng dụng và game hiện nay, khi mở ứng dụng lên được rồi thì máy sẽ chạy rất mượt.
Sự chênh lệch lớn nhất giữa hai chiếc Note nằm ở thời gian mở ứng dụng, cũng như tốc độ phản hồi (thấy rõ nhất khi bấm nút đa nhiệm để hiển thị danh sách ứng dụng gần nhất). Nguyên nhân của điều này là Note 5, giống như S6, đã sử dụng bộ nhớ dạng UFS 2.0. UFS 2.0 có nhiều đặc điểm giúp đem lại tốc độ truyền tải dữ liệu cao hơn hẳn so với bộ nhớ dạng eMMC đang được áp dụng phổ biến trên các điện thoại hiện nay (và trên cả Note 4).
Chúng tôi đã dùng AndroBench 4.0, ứng dụng chuyên đánh giá tốc độ bộ nhớ trong để so sánh và nhận thấy Note 5 cho tốc độ đọc/ghi cao hơn rõ rệt so với Note 4, đặc biệt là ở hai chỉ số đọc/ghi ngẫu nhiên (random read/write). Đọc/ghi ngẫu nhiên là quá trình diễn ra thường xuyên, liên tục ở điện thoại trên tất cả các ứng dụng, do vậy việc tốc độ được cải thiện sẽ khiến điện thoại hoạt động nhanh nhẹn hơn.
Ngoài ra dung lượng RAM của Note 5 được nâng cấp lên 4GB cũng giúp máy hoạt động đa nhiệm hiệu quả hơn so với Note 4. Tuy vậy, Note 5 vẫn chưa thực sự xuất sắc ở khả năng đa nhiệm: khi bật nhiều ứng dụng cùng một lúc thì máy vẫn phải tải lại.
Có thể nói trong dòng điện thoại Android, Note 5 hiện đang nằm trong nhóm những chiếc điện thoại mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên nếu đang sở hữu những chiếc smartphone cao cấp của năm ngoái, bạn cũng có thể tự tin là chiếc điện thoại của mình vẫn đáp ứng được các ứng dụng mới nhất, và có thể áp dụng một số cách để cải thiện hiệu năng của máy.
Phần mềm và các tính năng
Bút S-Pen là điểm đặc trưng và góp phần tạo nên tên tuổi dòng Note. Ở Note 5, Samsung không có đổi mới về phần cứng trên S-Pen (như tăng độ nhạy của đầu bút), nhưng hãng có bổ sung một số tính năng mới về mặt phần mềm. Điểm đáng chú ý nhất là khả năng viết lên màn hình đang tắt, cùng với đó là khả năng chụp ảnh toàn màn hình của trình duyệt web.
Video giới thiệu các tính năng mới của bút S-Pen trên Galaxy Note 5
Để nắm bắt được các tính năng mới của S-Pen trên Note 5, mời các bạn tham khảo bài viết 4 tính năng mới của bút S-Pen trên Galaxy Note 5.
Trong sự kiện giới thiệu Note 5, lãnh đạo Samsung đã nhấn mạnh vào tính năng ghi hình và phát trực tiếp lên Youtube (Live Stream). Thực tế đây là tính năng không mới, các điện thoại của Bkav và Sony đều đã có tính năng này. Bước thiết lập Live Stream khá rườm rà, bạn phải đăng nhập vào YouTube và xác thực tài khoản, sau đó chấp nhận các điều khoản của Samsung. Tuy nhiên ứng dụng này gặp lỗi "đã được bật tính năng này" với những tài khoản Google đang sử dụng nhiều kênh YouTube, một lỗi khá khó chịu.
Khi phát trực tiếp, bạn có hai lựa chọn là phát công cộng và phát riêng tư, mời người khác vào xem. Tuy nhiên bạn chỉ có thể mời qua SMS hoặc truy cập vào kênh và tìm video, chứ ứng dụng không tạo đường dẫn rút gọn để mọi người có thể truy cập. Đây là điểm bất tiện mà Samsung cần cải tiến.
Một tính năng "cũ người mới ta" khác trên Note 5 là tự tạo video nổi bật. Khi bạn chụp nhiều ảnh hoặc quay phim ở cùng một địa điểm, máy sẽ tự nhận đây là một "sự kiện" và tạo đoạn phim ngắn cho sự kiện đó. Ngoài ra bạn cũng có thể tự tạo sự kiện, và chọn ảnh hoặc phim cho sự kiện.
Thiếu sót mà tôi cảm thấy đáng kể nhất của Note 5 là đầu hồng ngoại. Không có đầu phát hồng ngoại, máy không thể trở thành điều khiển cho các thiết bị gia dụng như TV, đầu thu hay máy lạnh. Tùy vào người sử dụng mà đây là một tính năng hữu ích hoặc không cần thiết (cá nhân người viết dùng tính năng này hàng ngày), tuy nhiên việc Samsung cắt bỏ nó vẫn là điều đáng tiếc.
Thời gian sử dụng pin
Viên pin của Note 5 có dung lượng 3000 mAh, chỉ tương đương với chiếc Note 4. Điều này làm nhiều người lo ngại về thời lượng sử dụng pin của Note 5. Khi chúng tôi sử dụng các bài đánh giá pin tiêu chuẩn với chiếc Note 5, kết quả sử dụng pin của máy vẫn giữ mức tốt, với nhiều kết quả tốt hơn so với Note 4. Như vậy có thể nói thời gian sử dụng pin của Note 5 không hề kém đi so với thế hệ trước, và vẫn ở mức tốt trong các smartphone.
Giống với các điện thoại cao cấp khác, Samsung bán kèm củ sạc nhanh theo Note 5. Khi sử dụng củ sạc này, máy có thể đạt mức 19% pin sau 10 phút, và 90% sau 30 phút sạc. Tổng thời gian sạc từ lúc cạn pin đến khi đầy pin của Note 5 là 88 phút.
Kết luận
Note 5 là bản nâng cấp khá toàn diện so với thế hệ trước. Máy được cải tiến với thiết kế mỏng, nhỏ và đẹp hơn, camera tốt hơn, hiệu năng mạnh mẽ hơn, và giao diện phần mềm đơn giản hơn. Tuy nhiên những chiếc Note trước đây thường được mặc định là một sản phẩm dành cho "power user" – những người dùng hướng tới hiệu năng và sự tiện dụng tối đa, còn Note 5 thì đi ngược lại triết lý này. Samsung đã loại bỏ khe cắm thẻ nhớ và khả năng thay pin – những điểm mà nhiều người dùng cảm thấy rất tiện lợi.
Thực ra việc bớt tập trung tới người dùng ưa sự tiện lợi, thay vào đó hướng tới người dùng phổ thông không phải là một việc xấu. Thành công của iPhone 6 Plus – một chiếc iPhone 6 phóng to vốn không có thêm tính năng gì ấn tượng ngoài màn hình lớn và pin "trâu" – cho thấy những người dùng phổ thông vẫn là một thị trường lớn. Tuy nhiên, Samsung cũng đang có một chiếc phablet cao cấp hoàn toàn phù hợp với điều này – S6 Edge Plus. Chiếc điện thoại màn hình cong có thiết kế bắt mắt hơn, trong khi cấu hình và tính năng cũng tương tự Note 5 (ngoại trừ S-Pen).
Vì thế có lựa chọn Note 5 hay không cũng là câu hỏi khó trả lời, đặc biệt là với những người dùng trung thành của dòng Note. Note 4 hiện tại có giá khá "mềm" (từ 8 triệu với hàng cũ, từ 11 triệu với hàng mới), chất lượng màn hình và camera đều ổn, và cấu hình vẫn đủ đáp ứng tốt các tác vụ của Android. Quan trọng hơn, bạn có thể dễ dàng thay pin hoặc nâng cấp bộ nhớ của Note 4 với chi phí rẻ. Do vậy nếu muốn một chiếc phablet chất lượng cao và giá hợp lý, Note 4 là một lựa chọn tốt. Còn nếu thực sự muốn một chiếc điện thoại đời mới và thời thượng, Note 5 vẫn là "quán quân" của dòng phablet Android.