Các bạn thường quan tâm đến đặc điểm nào nhất khi mua smartphone? Màn hình sống động, camera siêu nét hay hiệu năng “như gió”? Với tôi thì hơi khác một chút, vì thứ tôi thực sự cần là thời lượng pin chứ không hẳn là những công nghệ hoa mỹ mà các nhà sản xuất muốn gửi gắm vào thiết bị.
Tất nhiên, sự cân bằng giữa tất cả khía cạnh vẫn là rất cần thiết. Chẳng ai muốn có một sản phẩm màn hình nét, hiệu năng vượt trội nhưng camera thì lại chỉ “lẹt đẹt” 5MP cả. Dù sao thì, điều tối quan trọng vẫn phải là thời lượng pin, vì một khi pin đã cạn thì những tính năng còn lại rõ ràng sẽ trở nên vô nghĩa!
Với mức giá chỉ 4 triệu đồng cho máy chính hãng, chẳng ai dám kì vọng gì nhiều vào cấu hình của Xiaomi Redmi 4X. Máy chỉ được trang bị phần cứng rất cơ bản, từ màn hình HD 720p kích thước 5 inch nhỏ gọn, vi xử lý Snapdragon 435 8 nhân vừa đủ dùng, dung lượng RAM 3GB và combo camera 13MP + 5MP không mấy nổi trội.
Chen vào giữa những con số tầm thường đó là một viên pin dung lượng lên tới 4100mAh, cao hơn gấp rưỡi so với phần đông các đối thủ cùng phân khúc. Đây có lẽ chính là lý do mà tôi, và hẳn là nhiều người khác nữa, sẽ quyết định chọn chiếc máy đến từ Trung Quốc này thay vì sản phẩm của một thương hiệu có tiếng nào đó khác.
Các bạn có còn nhớ cái thời của những chiếc smartphone “cục gạch”, dùng cả tuần mới phải đụng đến sạc pin? Tôi thì vẫn còn nhớ như in, và với chiếc Redmi 4X thì lịch sử có vẻ đã được lặp lại… gần như thế.
Sở dĩ chỉ là “gần như thế”, vì thực tế còn lâu máy mới đạt được đến cái mốc “cả tuần”.
Với viên pin 4100mAh (hay tối thiểu là 4000mAh, theo những gì Xiaomi công bố trong HDSD), tôi có thể yên tâm sử dụng máy như một chiếc điện thoại sơ-cua trong khoảng 2 - 3 ngày liên tiếp mà không lo hết pin.
Nếu so với tất cả những chiếc smartphone mà tôi từng được sử dụng qua, thời lượng pin của Redmi 4X dường như chỉ thua kém một vài cái tên như Asus Zenfone Max đời đầu hay Sony Xperia Z3 Compact. Còn khi so với các mẫu flagship hiện nay, Redmi 4X chắc chắn sẽ giành thế thượng phong, khi mà hầu hết những Galaxy S8, LG G6 hay iPhone 7 thì cũng chỉ hoạt động được khoảng 1 - 1.5 ngày là đã phải cắm sạc lại rồi.
Cụ thể hơn, trong thời gian trải nghiệm của tôi, chiếc Xiaomi Redmi 4X đã được “cá nhân hóa” bằng cách bật chế độ máy bay, Wifi ~24/24, xem 2 bộ phim ~4 tiếng với độ sáng 100%, nghe nhạc, xem Youtube, lướt web, Facebook, Instagram và chơi game Just Dance Now vài tiếng/ngày cùng rất nhiều hoạt động nhẹ nhàng khác. Thực tế thì nhu cầu như vậy không phải là cao, nhưng máy đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, khi phải gần 3 ngày trời thì pin mới giảm xuống dưới mức 10% - một con số rất ít xuất hiện kể từ thời điểm mà smartphone bắt đầu trở nên phổ biến.
Để các bạn dễ dàng so sánh, ước lượng thì trong 3 ngày mà tôi sử dụng máy, tổng thời gian sáng màn hình của chiếc Redmi 4X đã đạt tới gần 9 giờ đồng hồ, gấp 2 lần hầu hết các smartphone hiện nay.
Vậy điều gì đã làm nên kết quả ấn tượng này? Tôi tin rằng đó một phần là nhờ khả năng tối ưu phần mềm của Xiaomi, và một phần là do… cấu hình phần cứng quá thấp của máy.
Thông số kĩ thuật đầy đủ của Xiaomi Redmi 4X.
Dòng vi xử lý Snapdragon 4xx của Qualcomm vốn chỉ dành cho các smartphone giá rẻ với hiệu năng thấp, và Redmi 4X với con chip Snapdragon 435 không phải là ngoại lệ. Dung lượng RAM 3GB chỉ giúp Redmi 4X đa nhiệm tốt hơn, nhưng vì vẫn chỉ sử dụng con chip cấp thấp nên máy rốt cuộc lại hoạt động không mượt mà cho lắm, kể cả trong các tác vụ thông thường.
Có một điều tôi thấy cực kì “bất bình” khi dùng Xiaomi Redmi 4X là sự giật lag có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, khi chơi game, lướt web, Facebook hay đôi khi còn là lúc đang mở menu Cài đặt của máy. Dù chỉ có màn hình HD 720p và GPU Adreno 505 khá ổn nhưng trải nghiệm đồ họa mà tôi có với Redmi 4X thực sự chẳng được mượt mà như chờ đợi, kể cả là so với những smartphone khác trong tầm giá ~ 4 triệu đồng. Tôi có cảm giác như là Xiaomi đã cố tình giảm bớt hiệu năng thực của con chip nhằm đánh đổi lấy thời lượng pin dài hơn thì phải.
Thực ra thì sau khi “rà soát” thị trường một chút, tôi đã nhận ra rằng Xiaomi đã tự tạo ra một đối thủ “nặng kí” về hiệu năng cho sản phẩm của mình. Ngay ở phân khúc khoảng 4.5 triệu đồng, chiếc Redmi Note 4 vừa ra mắt đầu năm đã được trang bị con chip Snapdragon 625 có hiệu năng đáng tin cậy hơn, đã thế còn có phần cứng vượt trội ở nhiều mặt. Với chênh lệch giá chỉ vài trăm ngàn đồng, chẳng lẽ Xiaomi vẫn mong người dùng sẽ chịu bỏ qua Redmi Note 4 mà đến với Redmi 4X?
Redmi Note 4 chính là đối thủ nặng kí nhất của Redmi 4X?
Thời lượng pin tốt là vậy, nhưng các khía cạnh còn lại của Xiaomi Redmi 4X thì sao?
Đối với cá nhân tôi, ngoài hiệu năng có phần “đuối” ra thì Redmi 4X có thể đáp ứng đủ các nhu cầu về ngoại hình, camera, màn hình và những tính năng đi kèm.
Các fan của Xiaomi chắc hẳn đã không còn quá xa lạ với nền tảng MIUI vừa đẹp, vừa đa năng rồi. Với giao diện na ná iOS và hàng loạt tiện ích đáng thử dành cho Android, điển hình là Second Space và Dual Apps rất sáng tạo, Xiaomi đã tạo ra một trải nghiệm hòa quyện giữa hai nền tảng di động mà sẽ dễ dàng làm hài lòng người dùng, trong đó có cả tôi.
Giao diện MIUI có thiết kế tương tự iOS nhưng tính năng thì đậm chất Android.
Cũng đã lâu rồi tôi mới được cầm một chiếc smartphone Trung Quốc màn hình chỉ 5 inch. Cũng nhờ vậy mà Redmi 4X có thể nằm gọn trong lòng bàn tay và cũng tạo cảm giác “đầm” nhờ thân hình kim loại nặng 150gr. Tất nhiên, máy chẳng thể nào đạt danh hiệu “hoa khôi của khối”, nhưng cũng không hề xấu xí để làm bạn chẳng muốn cầm lên.
Một điểm cộng nhỏ mà tôi cảm thấy vô cùng ưng ý trên Xiaomi Redmi 4X là cụm phím cứng bấm rất “đã”. Chúng có độ nảy cao, dễ thao tác và nằm ở vị trí phù hợp để sử dụng cho cả hai tay. Đây dù chỉ là một đặc điểm rất nhỏ thôi nhưng rõ ràng là sẽ ảnh hưởng tích cực tới trải nghiệm hàng ngày của người dùng.
Thiết kế của Redmi 4X nhỏ gọn, bo tròn nhiều, mặt kính 2.5D bóng bẩy nhìn rất thích mắt.
Màn hình của Redmi 4X chỉ có độ phân giải HD 720p và sử dụng tấm nền LCD IPS chất lượng vừa phải. Combo này không đủ để khiến người ta phải “ồ” lên khi nhìn vào, nhưng cũng đủ để làm tôi cảm thấy hài lòng khi xem ảnh, video hay bất kì yêu cầu nào khác. Độ sáng tối đa mà tấm nền này đạt được cũng khá cao, thừa sức hiển thị đầy đủ các thông tin kể cả khi dùng trực tiếp dưới trời nắng.
Về phần camera, hai cảm biến ảnh ở cả trước và sau của Redmi 4X đều chỉ cho chất lượng ở mức vừa đủ dùng, nhưng kì lạ là khi đem so với Redmi Note 4, tôi nhận ra rằng giá rẻ hơn không có nghĩa là camera kém hơn.
Cả hai thiết bị đều có phần cứng camera khá tương đồng về lý thuyết, nhưng trên thực tế, ảnh chụp từ Redmi 4X lại có chất ảnh tươi tắn hơn, nhiễu hạt kiểm soát ổn định, độ chi tiết tốt hơn và dải tương phản động cao hơn nhiều. Còn lại, điểm nổi trội của Redmi Note 4 rốt cuộc chỉ nằm ở góc chụp rộng hơn một chút mà thôi.
Tuy nhiên, tôi vẫn nhận ra một vài điểm trừ trên Redmi 4X là hệ thống lấy nét hoạt động không tốt lắm, đôi khi không nhận diện được vật thể khi chụp macro và khi quay video thì không có chống rung.
Một số ảnh chụp khác từ Redmi 4X.
Ngoài các tính năng cơ bản cần thiết trên, tôi còn đánh giá cao cảm biến vân tay mà Xiaomi trang bị cho Redmi 4X. Nó vừa được bảo vệ vì nằm thụt sâu vào trong mặt lưng, vừa có độ nhạy và chính xác cao. Nhìn chung, ngoại trừ việc cảm biến này nằm ở phía sau - vị trí mà tôi cho là vẫn chưa phải thuận tiện nhất ra thì tôi không cảm thấy có thể chê được gì về nó cả.
Sau một thời gian ngắn trải nghiệm, Redmi 4X đã khiến tôi muốn thay đổi định nghĩa thế nào là một chiếc smartphone hoàn hảo, vì rõ ràng mọi điều hay ho, thú vị sẽ trở nên vô dụng nếu như thời lượng pin không đủ để đáp ứng. Có thể, Redmi 4X còn chụp ảnh xấu một tí, hoạt động kém mượt mà một tí, nhưng một khi đã làm quen với việc không phải “ôm ổ điện” hàng ngày rồi thì tôi nghĩ rằng chẳng mấy ai muốn nâng cấp lên các đời máy khác “sinh lý yếu” nữa đâu.