Mi A1 là sản phẩm khởi đầu chiến lược thị trường mới của Xiaomi: tấn công vào các hệ thống bán lẻ truyền thống đồng thời cũng bán mở rộng tới nhiều quốc gia trên thế giới.
Đây là điện thoại được Xiaomi giới thiệu hồi đầu tháng 9 ở Ấn Độ và vừa được bán chính hãng ở Việt Nam với giá 5,99 triệu đồng, bằng giá với chiếc Mi Max 2 cỡ lớn và pin trâu.
Mi A1 là sản phẩm hợp tác đầu tiên giữa hãng điện thoại Trung Quốc và Google trong chương trình Android One. Theo đó, máy được cài sẵn phần mềm Android gốc phiên bản 7.1.2 chứ không phải là phiên bản MIUI tuỳ biến quen thuộc trên các máy Xiaomi.
Ngoài điểm khác biệt về phần mềm thì Mi A1 cũng là điện thoại đầu tiên trong chiến lược đánh phủ thị trường bán lẻ truyền thống của Xiaomi (không chỉ tập trung nhiều vào bán online như cũ) nhằm cạnh tranh với các đối thủ như Huawei, Oppo và Samsung. Nhà sản xuất cũng cho biết sẽ bán Mi A1 tới 40 quốc gia, trong đó Ấn Độ và Việt Nam là hai nước được bán sớm nhất.
Mi A1 là smartphone đầu tiên chạy Android gốc của Xiaomi
Về sản phẩm, Mi A1 chính là chiếc Mi 5X được bán ở thị trường Trung Quốc. Hai máy chỉ khác nhau về phần mềm và nơi bán: Mi A1 chạy Android gốc và bán ở thị trường quốc tế, còn Mi 5X chạy phiên bản tuỳ biến MIUI 9 và chỉ bán ở Trung Quốc. Điểm nhấn của sản phẩm chính là cụm camera kép hỗ trợ zoom quang học 2x và khả năng chụp ảnh xoá phông cùng với thiết kế kim loại nguyên khối.
Các thông số cơ bản khác của điện thoại này như kích cỡ màn hình và hiệu năng (vi xử lý, RAM và bộ nhớ) giống với bản cao nhất của Redmi Note 4. Snapdragon 625 hỗ trợ sạc nhanh nhưng Xiaomi đã không đem tính năng này lên Mi A1 giống như Red Mi Note 4. Củ sạc đi kèm của máy chỉ có đầu ra 5V/2A.
Liệu smartphone tầm trung mới của Xiaomi với camera kép và phần mềm Android gốc có gì thú vị? Mời bạn đọc theo dõi bài đánh giá của VnReview.
Thiết kế
Mi A1 giống như phiên bản thu nhỏ của chiếc Mi Max 2 chúng tôi có bài đánh giá gần đây. Máy có thiết kế thân kim loại nguyên khối, bo vát khá mạnh ở các góc và viền xung quanh mặt lưng. Điều này mang lại cảm giác cầm ôm tay, dễ chịu. Mặt lưng cũng có dải ăng ten đặt ở hai đầu phía trên và dưới giống như Mi Max 2 và chiếc iPhone 7 Plus. Tương tự Mi Max 2, dải ăng ten trên Mi A1 màu đen có màu sắc gần như lẫn với màu thân máy, còn trên bản màu vàng và vàng hồng thì hai dải ăng ten này lộ hơn nên nhìn vào sẽ gợi nhớ đến iPhone 7 Plus hơn.
Các chi tiết cơ bản khác trên máy cũng đều giống với Mi Max 2 gồm cổng USB Type C, loa thoại ở phía trên mặt trước đóng vai trò loa ngoài thứ hai (loa ngoài chính nằm ở cạnh dưới), cảm biến hồng ngoại trên đỉnh máy để điều khiển các thiết bị gia dụng, cảm biến vân tay một chạm và đèn flash kép ở mặt lưng. Tuy vậy, đáng tiếc là Mi A1 không hỗ trợ sạc nhanh Quick Charge 3.0 như trên Mi Max 2 mặc dù có cổng Type C và chip xử lý Snapdragon tương tự.
Phía sau có camera và đèn flash kép, cảm biến vân tay
Điểm khác ở Mi A1 so với Xiaomi Mi Max 2 là có camera kép độ phân giải 12MP ở phía sau, lồi lên chút so với mặt lưng. Đây là bộ camera kép tương đồng với cặp camera kép trên dòng cao cấp Mi 6 gồm một camera góc thông thường và một camera góc hẹp (tele) có khả năng zoom quang học 2X để chụp ảnh chân dung xóa phông.
Phía dưới mặt lưng có logo Android One
Loa ngoài (loa thoại cũng đóng vai trò loa ngoài thứ hai tạo hiệu ứng âm thanh stereo), cổng USB Type C, mic thoại và giắc âm thanh 3.5mm ở cạnh dưới.
Cạnh trên máy có cảm biến hồng ngoại để điều khiển các thiết bị gia dụng
Nhìn chung, thiết kế là điểm được đánh giá cao ở Mi A1 từ chất liệu kim loại nguyên khối, độ dày thân máy mỏng đến kiểu dáng và cảm giác cầm nắm dễ chịu. Máy cũng tích hợp những thứ được coi là xu hướng hiện nay như cổng Type C, loa kép và camera kép.
Phụ kiện đi kèm gồm cáp và củ sạc, que chọc SIM và sách hướng dẫn, không có tai nghe như các điện thoại khác của Xiaomi.
Màn hình
Mi A1 có màn hình IPS LCD 5.5 inch độ phân giải Full-HD. Đo trên thiết bị chuyên dụng, độ sáng tối đa trên màn hình của Mi A1 đạt khá cao, tới 567 nit, nhỉnh hơn so với độ sáng tối đa của chiếc Mi Max 2. Màn hình thể hiện màu đen và độ tương phản cũng khá ấn tượng.
Tuy vậy, khả năng tái tạo màu sắc chỉ ở mức trung bình, màu sắc hiển thị hơi đậm lên một chút so với thực tế, nhất là gam màu tím và xanh. Không như chiếc Mi Max 2 có tới 3 chế độ màu sắc khác nhau, màn hình của Mi A1 chỉ có một chế độ hiển thị màu, nên không điều chỉnh được màu sắc hiển thị của màn hình.
Khi sử dụng ngoài trời, màn hình có hiện tượng phản chiếu nhẹ và bị bay màu đi đôi chút song vẫn ở mức ổn, dễ nhìn.
Kết quả đo màn hình của Xiaomi Mi A1 và một số máy cùng tầm giá.
Các màu sắc cơ bản hiển thị trên màn hình của Mi A1. Chấm tròn là màu máy hiển thị và ô vuông là màu tiêu chuẩn. Có thể thấy màu cơ bản đều bị lệch so với màu tiêu chuẩn, nhiều nhất là gam màu tím và xanh.
Phần mềm
MI A1 cài sẵn bản Android 7.1.2 nguyên gốc của Google giống như các máy Nexus và Pixel.
Có thể các fan của Xiaomi đã quen với bộ ứng dụng MIUI nhiều tính năng sẽ không thích sự đơn điệu của Android gốc. Tuy vậy, Android gốc có cái hay là giao diện đơn giản, gọn nhẹ và không bị trùng lắp giữa ứng dụng của nhà sản xuất và ứng dụng của Google cài sẵn như các điện thoại Xiaomi cài bộ phần mềm MIUI hay các máy cài Color OS của Oppo và TouchWiz của Samsung... Thêm nữa thì với những sản phẩm cài Android gốc, việc cập nhật bản vá bảo mật hay phiên bản phần mềm mới sẽ do Google đảm nhiệm nên thời gian người dùng nhận bản cập nhật sẽ nhanh hơn.
Giao diện camera của Xiaomi đưa vào, chứ không phải ứng dụng gốc của Google
Trên chiếc Mi A1, chỉ có 4 ứng dụng cài sẵn của Xiaomi là ứng dụng nhận phản hồi Feed Back, Mi Remote để điều khiển thiết bị gia dụng từ xa qua cảm biến hồng ngoại tích hợp trên đỉnh máy, Mi Store và ứng dụng camera. Bên cạnh đó, Xiaomi còn đưa vào vài chi tiết nhỏ nữa trên chiếc Mi A1 như các bản nhạc chuông và hình nền quen thuộc của hãng này.
Mi A1 vẫn có một số hình nền và nhạc chuông quen thuộc của Xiaomi
Giao diện màn hình chính trên Mi A1: Google Now (mở bằng cách quét tay từ bên phải màn hình chính), màn hình home và danh sách ứng dụng.
Giao diện Google Now cung cấp thông tin về thời tiết, bản đồ và tin tức
Giao diện màn hình cài đặt dạng danh sách và dạng thẻ
Giao diện phím tắt và thanh thông báo
Giao diện đa nhiệm và tính năng chia đôi màn hình. Trên màn hình đa nhiệm, chạm giữ vào một ứng dụng là có thể sử dụng tính năng chia đôi màn hình giống với thao tác trên MIUI 9.
Hiệu năng
Snapdragon 625 là con chip được dùng trên khá nhiều máy Xiaomi như Redmi Note 4, Mi Max 2 và bây giờ là Mi A1. Đây là con chip được ưa dùng trên các smartphone tầm trung nhờ cân bằng tốt giữa hiệu năng và khả năng tiết kiệm pin cũng như mức độ sinh nhiệt trong quá trình hoạt động. Snapdragon 625 chứa 8 vi xử lý Cortex-A53 tốc độ 2GHz và nhân đồ hoạ GPU Adreno 506. Máy cũng có dung lượng bộ nhớ dồi dào với RAM tới 4GB và bộ nhớ trong 64GB (còn trống hơn 50GB cho người dùng) cùng khe cắm thẻ nhớ ngoài để mở rộng thêm khi cần.
Sử dụng thực tế, chiếc Mi A1 có cảm giác chạy mượt hơn chút so với chiếc Mi Max 2 chúng tôi trải nghiệm gần đâydù cấu hình giống nhau. Các điểm đo hiệu năng trên các phần mềm Antutu (đo hiệu năng tổng thể), GeekBench (đánh giá khả năng xử lý của CPU) hay GFX Bench (đo sức mạnh đồ họa) cũng nhỉnh hơn Mi Max 2. Điều này phần nào cho thấy phần mềm Android gốc gọn nhẹ và được tối ưu tốt hơn so với bộ phần mềm MIUI tuỳ biến của Xiaomi.
Ở khoản chơi game, Snapdragon 625 không phải con là chip tối ưu cho đồ hoạ. Máy chỉ đủ đáp ứng nhu cầu game ở mức cơ bản, chơi được các game 3D như Dead Trigger 2 hay Asphalt 8 ở chế độ đồ hoạ thấp với độ mượt vừa phải, dao động khoảng 35-40 fps. Nhưng cũng phải nói là hiếm có máy chính hãng nào trong tầm giá dưới 6 triệu đồng hơn Mi A1 ở điểm này.
Điểm Antutu đánh giá hiệu năng tổng thể của thiết bị
Điểm GeekBench đánh giá khả năng xử lý đơn lõi và đa lõi của CPU
Bài test Manhattan trên ứng dụng GFXBench đo hiệu năng xử lý đồ hoạ của GPU.
Thời gian pin
Mi A1 có viên pin 3.000 mAh, nhỏ hơn khá nhiều so với viên pin 4100 mAh trên chiếc Redmi Note 4 có cùng cấu hình. Trong các bài test thực tế về lướt web, xem phim và chơi game quen thuộc của VnReview, máy có thời lượng ở mức trung bình khá, không đến nỗi thấp. Ở chế độ chờ, Mi A1 cũng quản lý pin khá tốt, chỉ mất khoảng 2-3% sau 7 giờ không hoạt động và vẫn bật Wi-Fi.
Tuy nhiên, đáng tiếc là Xiaomi lại không đưa vào điện thoại này khả năng sạc nhanh dù Snapdragon 625 có hỗ trợ. Chính vì vậy, thời gian sạc đầy cho viên pin 3.000 mAh vẫn mất tới 2 tiếng từ lúc 0% lên 100%, trong đó 30 phút đầu tiên sạc được khoảng 27%.
Xem phim HD offline ở điều kiện độ sáng thiết lập ở mức 70%, tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10%.
Lướt web trên mạng Wi-Fi ở điều kiện độ sáng màn hình mức 70%, tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10%.
Chơi game giả lập trên GFX Bench liên tục ở điều kiện độ sáng 70%, tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10%.
Camera
Xiaomi Mi A1 được trang bị cụm camera kép độ phân giải 12MP tương tự chiếc Xiaomi Mi 6 nhưng không có chống rung quang học, kích cỡ cảm biến nhỏ hơn và thấu kính có độ mở hẹp hơn. Cụ thể, camera kép của điện thoại này gồm một camera góc rộng với ống kính khẩu f/2.2, kích cỡ điểm ảnh 1.25 micron và có khả năng lấy nét pha; còn chiếc camera tele có ống kính khẩu f/2.6 và kích cỡ điểm ảnh 1 micron. Mô hình camera kép trên Mi A1 giống với Mi 6 và iPhone 7 Plus/8 Plus của Apple có hai tính năng đặc trưng là chụp ảnh xóa phông và zoom quang học 2X.
Như đã đề cập ở trên, ứng dụng camera trên Mi A1 là ứng dụng của Xiaomi, chứ không phải của Google. Ngoài tính năng zoom 2X và xoá phông, Mi A1 còn có nhiều chế độ chụp khác như làm đẹp, ảnh vuông, tự sướng nhóm, tilt-shift, ban đêm, toàn cảnh và chế độ thủ công (cho chỉnh lấy nét, cân bằng trắng, IOS, thời gian phơi sáng tới 15 giây và ống kính). Trong thực tế sử dụng, ứng dụng camera của Mi A1 đôi lúc hoạt động không trơn tru cả ở thao tác chụp và xem ảnh. Tuy nhiên, mức độ thiếu ổn định không đến mức quá khó chịu và có thể sẽ sớm được nhà sản xuất sửa qua các bản cập nhật.
Trước đó, VnReview đã có bài viết chia sẻ các hình ảnh chụp từ camera sau của Mi A1 ở các chế độ xoá phông, zoom 2X hay chụp thông thường ở các điều kiện sáng khác nhau. Bạn đọc có thể bấm vào link bài viết tại đây để xem chi tiết về ảnh chụp của máy.
Nhìn chung ở môi trường đủ sáng, máy xử lý ảnh chụp nhanh, nhiều chi tiết và độ nhiễu ở mức thấp ở cả camera góc rộng và tele (zoom 2X). Cân bằng trắng chính xác giúp màu sắc trong ảnh tự nhiên. Ở những điều kiện sáng phức tạp như bối cảnh chênh sáng hoặc ngược sáng thì chế độ HDR hoạt động tương đối hiệu quả.
Ảnh chụp ở chế độ tư động, không bật HDR
Bật HDR, ảnh cải thiện rõ rệt độ sáng ở những vùng tối
Một số ảnh chụp thông thường và zoom 2X:
Khi chụp đủ sáng, chiếc camera tele cũng cho những bức ảnh xoá phông có đối tượng chụp rõ nét và hậu cảnh phía sau bị xóa khá mịn, không phô và lẹm vào đối tượng chụp. Tuy vậy trong quá trình chụp ở chế độ xoá phông, máy lấy nét hơi chậm, cần có chút kiên nhẫn chờ máy lấy nét xong hãy bấm chụp. Đôi lúc máy vẫn nhận nhầm giữa chủ thể và phần nền, dẫn đến việc không xóa hết phông hoặc xóa nhầm vào chủ thể. Thêm nữa, ở chế độ xoá phông, máy mặc định áp dụng chế độ làm đẹp nên nước da trông hơi mịn, do vậy có thể một số người được chụp ảnh là nam giới sẽ không thích.
Ở môi trường thiếu sáng thì hiệu ứng xoá phông sẽ không rõ, hiệu quả bằng ảnh ở điều kiện sáng tốt. Camera chân dung thiếu tính năng chống rung quang học cũng sẽ khiến ảnh bị nhiễu hơn, dễ rung hơn khi chụp tối.
Khi chụp thiếu sáng thì khả năng thể hiện chi tiết của máy kém hơn, dễ nhòe do không có chống rung quang học. Tốc độ chụp không được nhanh và nhiễu khá nhiều. Điểm cộng là máy thể hiện màu sắc vẫn trung thực, không bị quá vàng khi chụp trong nhà. Nhìn chung khi chụp buổi tối thì máy ảnh không còn ấn tượng như ban ngày.
Camera trước của Mi A1 có độ phân giải 5MP. Ảnh chụp từ camera trước có chất lượng trung bình, chi tiết ổn song màu sắc hơi xỉn hơn thực tế chút, khiến ảnh chụp tự sướng thiếu tươi tắn và nịnh mắt.
Ảnh tự sướng ở chế độ tự động, không bật làm đẹp
Thứ tự 3 ảnh: ảnh tự động, bật chế độ làm đẹp mức trung bình và bật chế độ làm đẹp mức cao
Thứ tự 3 ảnh: ảnh tự động, bật chế độ làm đẹp mức trung bình và bật chế độ làm đẹp mức cao
Tổng kết
Mi A1 là chiếc smartphone tầm trung rất sáng sủa, không có điểm yếu lớn so với tầm giá. Máy có thiết kế kim loại nguyên khối mỏng và dễ cầm, màn hình sáng với độ tương phản cao, cấu hình phần cứng đủ dùng và phiên bản Android gốc với giao diện diện đơn giản, không bị trùng lắp ứng dụng. Thời lượng pin cũng không yếu, có thể yên tâm dùng trong ngày với số đông người dùng.